Sáng nay, ngày 15/09, tại trụ sở của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), đại diện lãnh đạo MXV và Cục Điều tiết Điện lực (ERAV) đã có cuộc họp trao đổi, hợp tác trong vấn đề xây dựng, triển khai cơ chế sàn giao dịch cho dịch vụ phái sinh điện trong khuôn khổ phát triển thị trường điện cạnh tranh tại Việt Nam.
Đại diện Cục Điều tiết Điện lực có sự tham dự của ông Phạm Quang Huy – Phó Cục trưởng ERAV và lãnh đạo các đơn vị liên quan; ông Nguyễn Quốc Trung – Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống Điện Quốc gia (Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện – A0) và các cán bộ phòng ban chuyên môn.
Ông Phạm Quang Huy – Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực – Bộ Công Thương phát biểu trong cuộc họp
Theo Quyết định số 8266/QĐ-BCT của Bộ Công Thương ngày 10/08/2015, việc triển khai sàn giao dịch hợp đồng tập trung được nêu rõ, các đơn vị tham gia chào bán hoặc chào mua sản lượng hợp đồng trên sàn giao dịch theo Quy định thị trường bán buôn điện cạnh tranh (VWEM). Ngoài ra, giao dịch hợp đồng tập trung nhằm xử lý chênh lệch (thừa hoặc thiếu) giữa sản lượng hợp đồng đã ký so với nhu cầu phụ tải hoặc khả năng phát thực tế của đơn vị.
Hiện nay, giao dịch hợp đồng tập trung là một trong ba cơ chế quản lý rủi ro chính theo thiết kế của VWEM trong dài hạn, bên cạnh hợp đồng song phương – OTC (thỏa thuận trực tiếp giữa bên bán và bên mua) và hợp đồng phân bổ (vesting contract) do Nhà nước quy định.
Về nhu cầu thực tế trên thị trường điện, phần lớn nhà máy điện (NMĐ) đang không tự chủ trong công tác đàm phán sản lượng điện cam kết (Qc) hoặc giao dịch hợp đồng. Trong khi đó, Qc ảnh hưởng rất lớn tới doanh thu và lợi nhuận của họ.
Đối với Tổng Công ty Điện lực, đơn vị này cũng hoàn toàn thụ động trong Thị trường điện. Sản lượng hợp đồng Qc được phân bổ tập trung và áp đặt cho các TCTĐL. Do vậy, các TCTĐL không có công cụ để quản lý rủi ro trên thị trường điện. Về dài hạn, tỷ trọng mua điện trên thị trường điện của các TCTĐL tăng lên và TCTĐL cần giao dịch hợp đồng để giảm rủi ro do giá thị trường điện.
Theo đó, sàn giao dịch sẽ là điều kiện quan trọng để tạo động lực và trách nhiệm cho các Tổng công ty Điện lực tham gia thị trường điện bán buôn do các đơn vị rất khó có thể tìm thấy đối tác mua bán hợp đồng trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, hình thức này vẫn còn hạn chế về số lượng và khối lượng giao dịch.
Ông Đặng Việt Hưng – Tổng Giám đốc MXV nêu quan điểm về thị trường bán buôn điện cạnh tranh
Về phía Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), kể từ khi được giao dịch liên thông với thế giới theo Nghị định số 51/2018/NĐ-CP về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 158/2006/NĐ-CP của Chính phủ, MXV đã hợp tác và làm việc với các đối tác công nghệ hàng đầu trong lĩnh vực tài chính quốc tế ở cả trong và ngoài nước để xây dựng và đảm bảo một hệ thống công nghệ đồng nhất, chính xác và đáng tin cậy cho tất cả các nhà đầu tư.
Các Sở Giao dịch Hàng hóa quốc tế là đối tác của MXV như ICE, CME, TOCOM đều là các sàn hàng hóa lớn, sở hữu cơ sở hạ tầng công nghệ giao dịch điện tử cho phép nhận lệnh khối lượng lớn, xử lý lệnh nhanh chóng và chính xác.
Với kinh nghiệm và tầm nhìn trong thị trường hàng hóa nói chung, Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam tin rằng, việc triển khai sàn giao dịch là một bước đi quan trọng trong chiến lược phát triển thị trường điện cạnh tranh của Việt Nam, dựa trên nền tảng quy định pháp luật, điều kiện triển khai, kinh nghiệm của thị trường điện quốc tế.
Thực hiện tốt các hợp đồng giao dịch tập trung không chỉ nâng tầm các đơn vị tham gia mà còn gia tăng vị thế cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường điện quốc tế. Đây được xem là cơ hội để các nhà máy điện, Tổng công ty Điện lực cũng như Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam có thêm động lực hoàn thiện và hợp tác cùng phát triển.
Một số hình ảnh khác trong buổi làm việc giữa Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam và Cục Điều tiết Điện lực
Nguồn: MXV