Giá vàng liên tục lập đỉnh, dầu lên xuống thất thường,… các trường hợp nhiễm virus corona và căng thẳng Mỹ – Trung gia tăng khiến các nhà đầu tư tìm kiếm tài sản trú ẩn an toàn.
Căng thẳng Mỹ – Trung Quốc sẽ là yếu tố chứa đựng rủi ro tiềm tàng trong cuối tuần trước và đầu tuần này đối với thị trường hàng hóa phái sinh. Cụ thể, tình hình các mặt hàng chốt tuần từ 20/07 – 26/07 có nhiều biến động trái chiều:
Nhóm mặt hàng Nông sản:
– Giá Đậu tương tháng 11 đóng cửa tuần tăng nhẹ 0.47% lên 899.25 cents/giạ. Đà tăng bị hạn chế bởi thông tin về chất lượng đậu tương tăng 1% trong báo cáo Tiến độ mùa vụ hàng tuần của USDA và căng thẳng Mỹ – Trung leo thang hồi cuối tuần khi 2 nước đóng cửa lãnh sự quán của nhau tại Houston và Thành Đô.
– Giá Khô đậu tương tháng 12 đóng cửa tuần tăng 1.53% lên 298.6 USD/tấn.
– Giá Dầu đậu tương tháng 12 đóng cửa tuần giảm nhẹ 0.56% xuống 30.37 cents/pound sau khi gặp phải lực bán rất lớn tại ngưỡng kháng cự 31 cents.
– Giá Ngô tháng 12 đóng cửa tuần giảm 1.4% xuống 335.00 cents/giạ. Thời tiết thuận lợi tại khu vực Trung Tây hồi đầu tuần trước cộng với xuất khẩu gia tăng tại Nam Mỹ khiến giá ngô chịu sức ép lớn. Mặc dù nhận được lực mua lớn từ các quốc gia ở châu Á khi xuống gần ngưỡng hỗ trợ 330 cent, nhưng sản lượng Ethanol giảm cùng với căng thẳng Mỹ – Trung khiến giá tiếp tục giảm trong phiên cuối tuần.
– Giá Lúa mỳ tháng 9 đóng cửa tuần tăng 0.89% lên 539.50 cents/giạ. Giá vàng tăng mạnh trong tuần vừa rồi cùng với số ca nhiễm mới tiếp tục tăng mạnh tại Mỹ khiến đồng Dollar của nước này suy yếu, đã ảnh hưởng lên giá các loại mặt hàng nông sản, đặc biệt là lúa mỳ. Bởi các đối thủ cạnh tranh trực tiếp về xuất khẩu lúa mỳ với Mỹ như EU, hay Canada đều có đồng tiền nằm trong giỏ tiền tệ chính.
Nhóm mặt hàng Năng lượng:
– Giá Dầu thô WTI tháng 09 tăng 1.33%.
– Giá Dầu thô Brent tháng 09 tăng 0.07% nhờ sự hỗ trợ từ những thông tin tích cực về vacxin cho chủng virus Corona mới, các gói kích thích kinh tế và sự suy yếu của đồng USD.
– Giá Khí gas tự nhiên tháng 08 tăng 5.24% khi thời tiết nắng nóng tại Mỹ giúp tăng nhu cầu khí gas làm lạnh.
– Giá Xăng RBOB tháng 08 tăng 4.92% theo đà tăng của giá dầu và tồn kho Xăng của Mỹ giảm trong tuần.
Nhóm mặt hàng Kim loại:
– Giá Bạc kỳ hạn tháng 09 tăng rất mạnh 13.16%.
– Giá Bạch kim kỳ hạn tháng 10 tăng 11.43%, cùng chiều với giá Vàng thế giới. Nhóm kim loại quý trong tuần qua được hỗ trợ bởi hoạt động mở cửa trở lại của các nền kinh tế trên toàn cầu, khi cán cân cung cầu của cả Bạc và Bạch kim trở nên cân bằng. Đồng thời, gói kích thích kinh tế trị giá 750 tỉ EUR của liên minh châu Âu EU cũng là yếu tố quan trọng khiến đà tăng của kim loại quý trở nên đáng chú ý trong tuần qua.
– Giá Đồng kỳ hạn tháng 09 giảm 0.79%, đóng cửa tuần ở mức 2.8925 USD/ounce, do thị trường lo ngại tình hình căng thẳng giữa hai cường quốc Mỹ – Trung có thể khiến yếu tố cung – cầu bị ảnh hưởng.
– Giá Quặng sắt kỳ hạn tháng 09 kết thúc tuần giao dịch tăng nhẹ 0.23% lên mức 106.27 USD/tấn khi thị trường chứng kiến sự khởi sắc trong số liệu kinh tế vĩ mô của cả Mỹ và châu Âu.
Nhóm ngành tài chính:
– Căng thẳng chính trị Mỹ-Trung khiến các chỉ số tài chính phố Wall đều giảm điểm so với tuần trước nữa:
+ Chỉ số công nghiệp bình quân Dow Jones giảm 202.06 điểm (-0.76%) xuống 26,469.89 điểm.
+ Nasdaq giảm 140.01 điểm (-1.33%) xuống 10,503.190 điểm.
+ S&P 500 giảm 9.1 điểm (-0.28%) xuống mức 3,215.63.
– Dollar Index giảm 1.66% xuống 94.34. Các cố vấn cấp cao trong chính quyền Trump cho biết “về nguyên tắc”, họ nhất trí với đề xuất gói cứu trợ trị giá 1 nghìn tỷ USD mà đảng Cộng hòa đã đưa ra thương lượng với đảng Dân chủ trước khi các khoản trợ giúp thất nghiệp hết hiệu lực trong tháng tới. Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows kỳ vọng con số cuối cùng sẽ được công bố trong chiều ngày 27/07 theo giờ Mỹ.
– Tỷ giá Real Brazil/USD chốt tuần tăng 2.9% so với tuần trước nữa.
– So với tuần trước nữa, đồng Yên Nhật mạnh lên 0.82% so với USD. Số liệu từ Nội các Nhật Bản cho thấy, trong quý I năm nay, chi tiêu tư bản của Nhật Bản sau khi được hiệu chỉnh chỉ tăng 0.1% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn nhiều so với mức báo cáo 4.3% báo cáo tháng trước. Chi tiêu trong ngành sản xuất công nghiệp quý I/2020 giảm tới 5.2%, trái với ước lượng ban đầu tăng 6.2%.
– Đồng Nhân dân tệ xuống giá so với USD, giảm 0.35%, 7.017 NDT/USD. Tổng cục Thống kê Trung Quốc cho biết, lợi nhuận của các hãng sản xuất công nghiệp tháng 6 tăng 11.5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 666.55 tỷ NDT (95.27 tỷ USD). Tuy nhiên, tổng lợi nhuận lũy kế 6 tháng đầu năm nay của các doanh nghiệp tại Hoa lục giảm tới 12.8% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 2.51 nghìn tỷ NDT.
– Giá vàng SJC tuần trước liên tục lập đỉnh mới, chạm mốc 55 triệu VND/lượng chiều bán ra, cùng chiều giá vàng thế giới chạm mốc 1,900 USD/oz. Giá vàng và USD biến động mạnh khiến Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tỷ giá trung tâm lên 23,216 VND/USD.
Nhóm Nguyên liệu Công nghiệp:
– Giá Cao su RSS3 giao tháng 8 trên sàn TOCOM tăng mạnh 5.77% lên mức 159.5 JPY/kg.
– Giá Cao su RSS3 giao tháng 9 trên sàn SHFE tăng 0.14% lên mức 10,630 NDT/tấn.
– Giá Cao su TSR20 giao tháng 8 trên sàn SGX tăng 1.11% lên mức 118.3 US cents/kg.
Nhu cầu găng tay cao su tăng mạnh khi làn sóng Covid-19 thứ hai vẫn đang hoành hành tại Mỹ, Brazil và Ấn Độ. Thêm vào đó, các doanh nghiệp Trung Quốc trong tháng 6 vừa qua vẫn “ăn nên làm ra”, khi lợi nhuận tăng vọt 11.5% so với cùng kỳ năm ngoái, bất chấp dịch Covid-19 và mưa lũ lớn kỷ lục trên lưu vực Trường Giang.
– Giá Bông kỳ hạn tháng 12 trên sàn ICE US giảm 2.97% xuống mức 60.10 US cents/pound. Căng thẳng thương mại và địa-chính trị Mỹ-Trung khiến thị trường lo ngại Trung Quốc sẽ giảm mua bông của Mỹ, trong khi sản lượng bông tại Ấn Độ vẫn đang rất dồi dào, khiến giá bông nội địa tại Ấn Độ đang thấp hơn so với giá trung bình thế giới.
– Giá Cacao giao tháng 9 trên sàn ICE US tăng 2.96% lên mức 2,224 USD/tấn. Đánh thuế quan cân bằng thương mại và hạn chế bán trên thị trường kỳ hạn trong thời gian tới là những chính sách mà các nước Tây Phi có thể thực hiện nhằm bảo vệ lợi ích và thu nhập cho người trồng cacao. Điều này sẽ khiến chi phí thu mua cacao tăng lên trong niên vụ tới. Thêm nữa, USD liên tiếp yếu đi trên thị trường ngoại hối, Dollar Index xuống mức thấp nhất trong vòng 2 năm qua cũng là yếu tố quan trọng đẩy giá cacao tăng,
– Giá Đường thô kỳ hạn tháng 10 trên sàn ICE US giảm 2.04% xuống mức 11.49 US cents/pound. Nguồn cung dồi dào gây áp lực giảm giá đường thô. Unica cuối tuần trước cho biết, sản lượng đường nửa đầu tháng 7 tại vùng trung tâm miền Nam Brazil tăng mạnh 55.6% so với cùng kỳ niên vụ trước, trong khi tỷ lệ sử dụng mía để sản xuất đường tăng lên mức 47.94%, lớn hơn nhiều so với mức 35.99% cùng kỳ niên vụ 2019/20.
Các nhà đầu tư cần theo dõi sát sao biểu đồ diễn biến thị trường và thận trọng hơn khi đặt lệnh trong phiên giao dịch!