Hiện nay thị trường đậu tương thế giới đang diễn biến khó lường trước động thái đẩy mạnh mua hàng tích trữ của quốc gia tiêu thụ lớn nhất – Trung Quốc. Về ngắn hạn, điều này mang ý nghĩa tích cực nhưng tương lai xa hơn, những diễn biến về căng thẳng thương mại và nguồn cung dồi dào từ Brazil và Mỹ có thể lại tiếp tục gây áp lực lên giá đậu tương…
[Hữu ích cho nhà đầu tư]
> Mức ký quỹ giao dịch hàng hóa từ ngày 18/11/2024
> Các loại phí cần trả khi giao dịch hàng hóa
> Tại sao phải đáo hạn hợp đồng giao dịch hàng hóa phái sinh?
Trung Quốc gấp rút tích trữ đậu tương
Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, tháng 10 vừa qua, nước này đã nhập khẩu 8,09 triệu tấn đậu tương, mức cao nhất trong vòng 4 năm trở lại đây và tăng 56% so cùng kỳ năm ngoái. Con số tăng trưởng đột biến này phần lớn xuất phát từ lo ngại về sự thay đổi trong chính sách thương mại của Mỹ khi ông Donald Trump chuẩn bị nhậm chức vào đầu năm tới. Nhằm bảo đảm an toàn nguồn cung, các nhà nhập khẩu tại Trung Quốc đã gấp rút tích trữ để đối phó với những bất ổn có thể xảy ra. Trong đó, Brazil và Mỹ là hai nguồn nhập khẩu đậu tương lớn nhất của Trung Quốc.
Tính trong tháng 10, nước này đã nhập 5,53 triệu tấn đậu tương từ Brazil, tăng 15% so cùng kỳ năm ngoái. Nhập khẩu đậu tương từ Mỹ cũng tăng hơn gấp đôi so cùng kỳ năm 2023 lên mức 541,434 tấn, đánh dấu tháng thứ bảy liên tiếp nhập khẩu tăng trưởng. Tính đến hết tháng 10, tổng lượng nhập khẩu đậu tương từ Brazil đạt 67,8 triệu tấn, tăng 13,6% so năm trước. Ngược lại, lượng nhập từ Mỹ lại giảm, chỉ còn 15,1 triệu tấn, giảm 13% so cùng kỳ.
Bên cạnh lo ngại về sự thay đổi chính sách thương mại của Mỹ, tâm lý dự trữ đậu tương của Trung Quốc còn xuất phát từ nhu cầu tận dụng nguồn cung lớn từ các vụ mùa dồi dào của Mỹ và Brazil.
Thêm vào đó, tại thị trường đậu tương nội địa, Trung Quốc đang đối mặt với cung vượt cầu. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), dự báo sản lượng thịt heo của Trung Quốc sẽ giảm 2% trong năm 2025, còn 55,5 triệu tấn do ảnh hưởng từ việc giảm dự trữ heo nái và sức tiêu thụ bị sa sút do kinh tế bất ổn. Điều này cho thấy triển vọng nhu cầu đậu tương thực sự tại Trung Quốc đang có dấu hiệu giảm.
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết, việc Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu đậu tương không chỉ là tín hiệu tích cực cho thị trường ngắn hạn, mà còn phản ánh tâm lý phòng thủ trước những bất ổn thương mại tiềm tàng giữa Mỹ – Trung. Tuy nhiên, động thái này không có nghĩa nhu cầu thực sự tăng trưởng, mà chủ yếu là kế hoạch tích trữ chiến lược để chuẩn bị cho một thời kỳ thiếu ổn định kéo dài.
Dự báo giá đậu tương: Kịch bản nào sẽ xảy ra?
Trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường nhập khẩu, câu hỏi đặt ra là liệu nhu cầu này có duy trì được lâu dài hay không. Nhìn vào diễn biến hiện tại, có thể dự đoán nhu cầu sẽ chững lại vào đầu năm 2025 khi Trung Quốc đã hoàn thành tích trữ. Điều này sẽ làm giảm lực cầu trên thị trường, trong khi nguồn cung thế giới vẫn đang ở mức cao nhờ mùa vụ thuận lợi tại Mỹ và Brazil.
Tuy nhiên, một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến giá đậu tương là quan hệ thương mại Mỹ – Trung. Nếu ông Donald Trump thực hiện các biện pháp thương mại cứng rắn như đã tuyên bố trong chiến dịch tranh cử là áp thuế 60% lên hàng hóa Trung Quốc, tức là căng thẳng thương mại sẽ leo thang. Trung Quốc có thể trả đũa bằng cách áp thuế lên hàng nhập khẩu từ Mỹ, bao gồm cả đậu tương. Kịch bản này có thể gây ảnh hưởng mạnh đến doanh số xuất khẩu của Mỹ, đồng thời tạo cơ hội cho Brazil và Argentina gia tăng thị phần tại Trung Quốc. Nếu các quốc gia Nam Mỹ này mở rộng diện tích canh tác để đáp ứng nhu cầu, cấu trúc nguồn cung toàn cầu có thể thay đổi theo hướng bất lợi cho Mỹ.
Một kịch bản khác là ông Trump có thể áp dụng cách tiếp cận thận trọng hơn, tập trung vào giải quyết các xung đột khác như Biển Đen và Trung Đông trước khi nhắm đến Trung Quốc. Trong trường hợp này, thương mại song phương sẽ ít chịu tác động tiêu cực hơn, giúp giá đậu tương không chịu quá nhiều áp lực giảm.
Dù trong kịch bản nào thì trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu dồi dào và triển vọng vụ mùa tại Brazil khá khả quan do điều kiện thời tiết thuận lợi, giá đậu tương nhiều khả năng sẽ chịu sức ép trong năm tới. Ngay cả khi căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc không gia tăng, nguồn cung lớn từ các quốc gia Nam Mỹ có thể duy trì tình trạng giá thấp trên thị trường. Đối với các nhà đầu tư và nông dân Mỹ, đây sẽ là một năm đầy thách thức khi nhu cầu từ Trung Quốc ở thời điểm hiện tại khó có thể cứu vãn giá đậu tương khỏi xu hướng giảm.
“Dù nhu cầu từ Trung Quốc đã tạo động lực cho giá đậu tương trong ngắn hạn, triển vọng dài hạn vẫn đối mặt với nhiều rủi ro. Với nguồn cung từ Brazil và Argentina liên tục tăng trưởng và khả năng căng thẳng thương mại Mỹ – Trung tiếp tục leo thang, giá đậu tương có thể sẽ khó quay đầu phục hồi mạnh mẽ. Chỉ khi nào thị trường xuất hiện những biến động bất ngờ về thời tiết hoặc chính sách hỗ trợ nông nghiệp từ các quốc gia xuất khẩu, hy vọng về một đợt tăng giá mới có thể xảy ra”, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh nhận định.
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Liên hệ ngay với FINVEST để được hướng dẫn về cách thức giao dịch hàng hóa và tìm hiểu các chính sách ưu đãi dành cho Nhà đầu tư/Cộng tác viên môi giới: 024 3552 7979
CÔNG TY TNHH ĐẦU TƯ QUỐC TẾ HỮU NGHỊ – Thành viên Kinh doanh 001 của MXV
Tầng 11 tòa nhà LADECO – số 266 đường Đội Cấn, Phường Liễu Giai, Quận Ba Đình, TP. Hà Nội.
Tel: 024.3552.7979
Facebook: http://www.facebook.com/www.finvest.vn
Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCFFl3fJDes8ftudfqrQrP4g