Nhu cầu và giá Dầu thô ngày càng sa sút do tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19, những bất đồng giữa các nước thành viên, cùng mối đe dọa từ các nhiên liệu sạch hơn đang khiến Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) phải đối mặt với thời điểm vô cùng khó khăn trong lịch sử 60 năm.
Giá Dầu thô ngày càng sa sút
Kết thúc tuần giao dịch 21/09 – 26/09, giá Dầu thô giảm trở lại. Dầu WTI giảm 2,6% xuống chỉ còn 40,25 USD/thùng; Giá Dầu Brent giảm 3,2% xuống còn 41,79 USD/thùng. Giá Dầu trong tuần vừa rồi chịu áp lực lớn bởi dịch bệnh Covid-19 tiếp tục tái bùng phát tại nhiều quốc gia trên thế giới àm đảo lộn hy vọng nhu cầu nhiên liệu toàn cầu phục hồi suôn sẻ.
Dầu thô Brent đang trên đà giảm tháng đầu tiên trong sáu tháng, trong khi dầu WTI đang đứng đầu khoản lỗ hàng tháng đầu tiên kể từ tháng 4 khi các lệnh giới hạn ban bố ở các quốc gia khác nhau làm mờ triển vọng phục hồi nhu cầu nhiên liệu.
Bên cạnh đó, cuối tuần vừa rồi, sản lượng khai thác Dầu thô của Libya đã tăng gần gấp 3 lên mức 250.000 thùng/ngày, cho thấy nước này đang rất tích cực đẩy mạnh việc khôi phục hoạt động khai thác và xuất khẩu dầu mỏ bất chấp OPEC đang hạn chế sản lượng.
Libya là nước có trữ lượng dầu lớn nhất châu Phi. Nếu hoạt động khôi phục sản xuất được diễn ra suôn sẻ, nước này có thể bổ sung thêm hơn 1 triệu thùng dầu/ngày cho thị trường dầu. Được biết, OPEC+ đang quan sát kỹ tình hình và kỳ vọng Libya sẽ tham gia vào thỏa thuận cắt giảm trong cuộc họp tháng 10 tới của Ủy ban Giám sát chung cấp Bộ trưởng.
Diễn biến giá Dầu trong vòng 1 năm. Nguồn: Tradingview.
Hồi tháng Ba vừa qua, OPEC+ đã không đạt được sự đồng thuận về chiến lược chung, với việc Nga từ chối yêu cầu cắt giảm sản lượng từ Saudi Arabia. Sau đó, nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới Saudi Arabia đã quyết định giảm giá bán và tăng sản lượng để bảo toàn thị phần.
Cuộc chiến giá dầu giữa các thành viên, sự tuân thủ thỏa thuận cắt giảm của các cường quốc dầu mỏ, cùng diễn biến của đại dịch COVID-19 ngày càng tồi tệ, đã khiến giá dầu lao dốc. Giá hợp đồng Dầu kỳ hạn WTI đã có thời điểm rơi xuống mức âm vào tháng Tư.
Lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập OPEC diễn ra trong thời điểm khó khăn
OPEC được thành lập vào ngày 14/9/1960 bởi các nước Iraq, Iran, Kuwait, Saudi Arabia và Venezuela, với nhiệm vụ trọng tâm là kiểm soát sản lượng dầu thô. Tổ chức này hiện có 13 thành viên với các nước đến từ cả châu Phi và Mỹ Latinh.
Theo ông Edoardo Campanella – Chuyên gia phân tích của UniCredit, lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập OPEC diễn ra vào một thời điểm khó khăn trong lịch sử. Khả năng dẫn dắt thị trường dầu mỏ theo hướng có lợi cho OPEC chưa bao giờ bị đặt nghi vấn nhiều như lúc này.
OPEC thường xuyên triệu tập các cuộc họp định kỳ để đánh giá tình trạng cung và cầu trên thị trường, và các tuyên bố của OPEC vẫn có thể gây ra những biến động lớn đối với giá dầu.
Tuy nhiên, quyền lực của OPEC đã thu hẹp trong những năm gần đây, khiến tổ chức này phải hợp tác với 10 quốc gia sản xuất dầu mỏ ngoài OPEC (gọi là OPEC+), trong đó có Nga. Liên minh OPEC+ này được hình thành nhằm mục tiêu hạn chế tổng sản lượng khai thác chung.
Về cơ bản, OPEC+ muốn hình thành một cơ chế chống lại Mỹ, quốc gia sản xuất dầu đá phiến có sản lượng tăng vọt, và giải quyết tình trạng dư cung dai dẳng trên thị trường thế giới. Hiện nay, OPEC chiếm khoảng 1/3 tổng sản lượng dầu toàn cầu, còn OPEC+ chiếm gần 50%, do đó ảnh hưởng của liên minh này lớn hơn.
Carlo Alberto de Casa, nhà giao dịch tại Activtrades, cho rằng OPEC vẫn có vị trí nhất định đối với thị trường dầu mỏ, mặc dù ảnh hưởng của tổ chức này có phần giảm sút so với trước đây do hoạt động sản xuất của các nước ngoài OPEC và kỹ thuật khai thác mới.
Trước nguy cơ sụp đổ của thị trường, OPEC+ hồi tháng Năm đã quyết định cắt giảm tới 1/5 sản lượng, qua đó giúp giá dầu thô phục hồi mạnh lên mức khoảng 40 USD/thùng như hiện nay. Thêm vào đó, do nguồn cung dư thừa, Mỹ – hiện là nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới – cũng đã hạn chế tốc độ khai thác dầu đá phiến.
Chuyên gia phân tích Paola Rodriguez-Masiu của Rystad Energy nhận định, mặc dù OPEC đã mất thị phần trong những năm gần đây nhưng tổ chức này vẫn có vai trò quan trọng vì sở hữu lượng dầu thô lớn nhất có thể khai thác hiện nay. Chuyên gia này cho rằng OPEC sẽ ngày càng trở nên quan trọng hơn trong tương lai.
Tổng hợp và biên tập.
Theo dõi thêm các tin tức nổi bật về thị trường hàng hóa phái sinh tại chuyên mục: Tin tức Thị trường.
CÔNG TY TNHH ĐẦU TƯ QUỐC TẾ HỮU NGHỊ
? Tầng 11 tòa nhà LADECO – số 266 đường Đội Cấn, Phường Liễu Giai, Quận Ba Đình, TP. Hà Nội.
☎️ (84) 024.3552 7979
? FB: http://www.facebook.com/www.finvest.vn
? STK Vietcombank : 0611001975177 Chi nhánh Ba Đình
? STK BIDV: 21610000479888 Chi nhánh Đống Đa
? STK Techcombank: 19134664939018 phòng giao dịch Hoàng Quốc Việt.