Năm 2020 do ảnh hưởng mạnh bởi đại dịch Covid-19 và các sự kiện chính trị lớn mà thị trường hàng hóa thế giới có nhiều biến động mạnh. Giá vàng lên cao kỷ lục, giá dầu xuống ngưỡng âm, đồng và quặng sắt cũng đạt ghi nhận những mức giá kỷ lục và sự tăng trưởng ngang ngửa vàng.
1. Giá vàng và kim loại quý chạm kỷ lục
Dịch Covid-19 khiến kinh tế toàn cầu lao dốc, các ngân hàng trung ương tung ra những chương trình kích thích khổng lồ gây lo ngại lạm phát gia tăng… đã đẩy giá vàng liên tiếp tăng vọt trong 8 tháng đầu năm 2020, vào ngày 6/8/2020 đạt mức cao kỷ lục lịch sử, 2.070,05 USD/ounce.
Mặc dù sau đó giá đã giảm dần, từ tháng 8 đến nay giảm khoảng 10%, song so với đầu năm 2020, giá vàng hiện vẫn cao hơn khoảng 22%, và nhiều nhà phân tích tin rằng triển vọng thị trường năm 2021 vẫn rất khả quan.
Nguyên nhân là bởi đại dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng, đã lan tới mọi khu vực trên trái đất và diễn biến rất phức tạp. Mặc dù một số nước đã bắt đầu tiêm thử nghiệm vaccine Covid-19 trên diện rộng, nhưng để kinh tế thế giới hồi phục như trước khi xảy ra đại dịch còn cần rất nhiều thời gian.
Mới đây nhất, Quốc hội Mỹ đã thông qua gói kích thích kinh tế khổng lồ 900 tỷ USD. Với việc các chính phủ và các ngân hàng trung ương dự kiến sẽ bơm thêm thanh khoản vào các thị trường tài chính, nhiều ngân hàng cho rằng việc giá vàng tăng trở lại, thậm chí vượt mức cao nhất mọi thời đại như hồi tháng 8 chỉ là vấn đề thời gian, bởi vàng khi đó sẽ là nơi “trú ẩn” ưa chuộng của các nhà đầu tư để chống lại lạm phát.
Khi tâm lý trú ẩn lên cao, các nhà đầu tư không chỉ tìm đến vàng mà các kim loại quý khác như bạc, bạch kim cũng được “để mắt” tới. Giá bạc và bạch kim từ đầu năm 2020 tới nay cũng có nhiều biến động.
Giá bạc bắt đầu từ đầu năm ở mức dưới 18 USD/ounce sau đó giảm xuống dưới 12 USD/ounce vào tháng 3 năm 2020, trong đợt bán tháo rộng rãi hơn trên thị trường tài chính. Bạc nhanh chóng phục hồi khi các nhà đầu tư tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn trong kim loại quý, và vào tháng 7, nó đã tăng tốc từ mức 18 USD/ounce lên 24 USD/ounce, khiến mức tăng tiếp theo trong tháng 8 đạt mức 30 USD/ounce. Kể từ đó, giá kim loại này đã củng cố trong khoảng $25- $29/ounce.
Hồi tháng 3, bạch kim cũng ghi nhận mức sụt giảm nghiêm trọng khi trượt giá xuống dưới 600 USD, tuy nhiên, nhờ nhu cầu mạnh mẽ trên toàn cầu và sự tăng trưởng của các nền kinh tế lớn mà kim loại này có thể dần phục hồi về nửa cuối năm 2020. Giá bạch kim hiện đã vượt qua được ngưỡng kháng cự quan trọng 1030 và đang ở mức giá cao nhất được ghi nhận trong năm nay, có lúc ở mức 1078 USD/ounce.
2. Thị trường dầu thô điêu đứng
Đại dịch Covid-19 đã làm điêu đứng thị trường dầu mỏ, khiến cho nhu cầu sụt giảm thê thảm (do các nước tiến hành phong tỏa/giãn cách xã hội, ngành hàng không tê liệu) giữa bối cảnh nguồn cung dồi dào sau sự thành công của ngành dầu đá phiến Mỹ.
Tháng 3/2020 là thời điểm dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát mạnh ở Châu Âu. Giữa lúc đó xảy ra “cuộc chiến dầu mỏ” giữa Nga và Saudi Arabia sau khi OPEC và Nga không đạt được sự đồng thuận về việc tiếp tục cắt giảm sản lượng dầu mỏ (ngày 8/3). Ngay hôm sau đó, ngày 9/3, giá dầu thô thế giới giảm 30%. Chưa dừng lại ở đó, ngày 21/4 đánh dấu thời điểm “đen tối” nhất của thị trường này khi giá dầu WTI giảm xuống mức âm 37,63 USD/thùng lần đầu tiên trong lịch sử, dầu Brent cũng xuống dưới 20 USD/thùng giữa bối cảnh hàng trăm triệu thùng dầu dư thừa phải chứa trong các kho dự trữ trên toàn thế giới, buộc các thương nhân phải thuê tàu chỉ để neo chúng lại và đổ đầy dầu thừa. Lần đầu tiên trong lịch sử, 160 triệu thùng dầu đang chứa trong các tàu chở dầu trên khắp thế giới để chờ được trút ra.
3. Kim loại công nghiệp “vụt sáng” ngang ngửa vàng
Kể từ giữa năm 2020 đến nay, kim loại công nghiệp đã trở thành nhóm hàng hóa nguyên liệu tăng giá mạnh nhất và triển vọng sẽ còn tiếp tục xu hướng này trong năm 2021, do kinh tế toàn cầu hồi phục, dẫn đầu là Trung Quốc, và đồng USD yếu đi trong khi nguồn cung một số chủng loại bị gián đoạn do Covid-19 và do thiên tai/tai nạn, nhất là ở Peru và Chile.
Chỉ số kim loại công nghiệp của S&P Goldman Sachs – thuộc tập hợp Chỉ số hàng hóa S&P Goldman Sachs (S&P GSCI), được theo dõi rộng rãi – đã tăng hơn 38% kể từ ngày 1/6/2020 đến trung tuần tháng 12/2020. Trong đó, giá đồng, nhôm, nickel và kẽm đều tăng ngang ngửa so với vàng. Thậm chí một số kim loại cơ bản giá còn tăng mạnh hơn nhiều so với vàng.
Đồng: Chuỗi tăng kéo dài không nghỉ suốt từ tháng 3/2020 đã đẩy giá đồng lên mức cao kỷ lục trong vòng 8 năm vào trung tuần tháng 12/2020, chạm 8.000 USD/tấn. Tuy nhiên, năm 2020 cũng đánh dấu sự thăng trầm của thị trường này. Vào tháng 3/2020, khi dịch Covid-19 tác động rõ rệt lên toàn cầu, giá đồng đã mất 27% xuống chỉ còn 4.617 USD/tấn. Thị trường sau đó đã nhanh chóng và đến cuối tháng 7/2020 đã về lại nguyên mức giá như đầu tháng 1/2020. Quý 3 giá chỉ tăng nhẹ, nhưng bắt đầu nóng lên kể từ tháng 10, do đồng USD trượt nhanh sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Tính từ mức thấp nhất hồi tháng 3 năm nay, giá đồng đã tăng 68% chỉ trong vòng 8 tháng, trở thành kim loại cơ bản có mức tăng bền vững nhất trong nhóm các kim loại cơ bản giao dịch trên sàn LME.
Quặng sắt: Giá quặng sắt đã tăng gấp hơn 2 lần trong năm nay, trở thành mặt hàng có mức tăng mạnh nhất trên toàn cầu năm thứ 2 liên tiếp, giữa bối cảnh nhu cầu mua nhìn chung rất mạnh trên toàn cầu, nhất là ở Trung Quốc.
Từ đầu quý IV đến nay, giá quặng sắt đã tăng 29,4%, trong đó riêng tháng 12 đã tăng 21%, và tính từ đầu năm 2020 đến thời điểm hiện tại là tăng 123%. Chỉ số giá quặng sắt hàm lượng 62% CFR Trung Quốc do Platts báo cáo đã tăng trên 72% trong năm nay.
Trung Quốc là nước tiêu thụ quặng sắt và sản xuất thép lớn nhất thế giới. Sản lượng thép thô của nước này dự kiến sẽ tăng trong năm 2021, thêm 1,4% lên 1.065 tỷ tấn, so với ước tính 1,05 tỷ tấn năm 2020. Nhu cầu các sản phẩm thép ở Trung Quốc năm tới dự báo sẽ tăng 1% lên 991 triệu tấn, chậm hơn mức tăng 8,6% (đạt 981 triệu tấn) ước tính cho năm 2020, vì Chính phủ nước này đã cam kết duy trì hỗ trợ các chính sách kích thích kinh tế hồi phục.
Trong khi đó, vấn đề nguồn cung quặng sắt ngày càng trở nên đáng lo ngại do cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Canada ngày càng căng thẳng và công ty Vale của Brazil đang rất khó khăn trong việc khôi phục hoàn toàn công suất sản xuất sau vụ võ đập khiến cho xuất khẩu quặng sắt từ nước này giảm xuống dưới 30 triệu tấn lần đầu tiên kể từ tháng 5/2020. Được biết, hơn 60% lượng quặng sắt nhập khẩu vào Trung Quốc đến từ Australia.
Thép phế liệu: Trong vòng hơn 9 tháng gần đây, giá thép phế đã tăng gần gấp đôi do nhu cầu nguyên liệu thép của Trung Quốc tăng nhanh. Hiện giá thép phế thế giới đang ở mức cao nhất khoảng 7 năm. Theo đó, hàng loạt các nhà máy thép đồng loạt nâng giá thép phế, có các nhà máy Nhật Bản nâng giá tới 7 lần chỉ trong vòng 17 ngày đầu tháng 12/2020. Tại Trung Quốc, chỉ số giá thép phế tăng 7 tuần liên tiếp, ngày 11/12 đạt 2.750,5 CNY (420,6 USD)/tấn (bao gồm 13% VA), cao nhất kể từ 1/4/2013. Các nhà máy thép Trung Quốc đã tích cực thu mua phế liệu để tăng lượng dự trữ lên một mức nhất định, đủ dùng trong những tháng mùa Đông.
Thép thành phẩm: Giá nguyên liệu thép đồng loạt tăng mạnh đẩy giá thép tăng theo. Trên sàn Thượng Hải, giá thép thanh vằn hiện đạt mức cao nhất kể từ tháng 11/2018, trên 4.500 CNY/tấn.
Tham khảo & tổng hợp: Doanh nghiệp và Tiếp thị
Theo dõi thêm các tin tức nổi bật về thị trường hàng hóa phái sinh tại chuyên mục: Tin tức Thị trường.
CÔNG TY TNHH ĐẦU TƯ QUỐC TẾ HỮU NGHỊ
? Tầng 11 tòa nhà LADECO – số 266 đường Đội Cấn, Phường Liễu Giai, Quận Ba Đình, TP. Hà Nội.
☎️ Tel: (84) 024.3552.7979.
? FB: http://www.facebook.com/www.finvest.vn
? STK Vietcombank : 0611001975177 Chi nhánh Ba Đình.
? STK BIDV: 21610000479888 Chi nhánh Đống Đa.
? STK Techcombank: 19134664939018 phòng giao dịch Hoàng Quốc Việt.