TIN NỔI BẬT, TIN TỨC, TIN TỨC THỊ TRƯỜNG

Giá cà phê duy trì thời kỳ đỉnh cao sau nhiều năm liên tiếp ở mức thấp

Giá cà phê tiếp tục nhận được sự hỗ trợ trong bối cảnh đồng USD suy yếu. Xuất khẩu giảm và tồn kho tại các cảng đến giảm đang tiếp tục cho thấy tình trạng khan hiếm nguồn cung trên thị trường cà phê.

[Hữu ích cho nhà đầu tư]

Giao dịch Spread với mức ký quỹ thấp chưa từng có

Mức ký quỹ giao dịch hàng hóa từ ngày 11/01/2022

Các loại phí cần trả khi giao dịch hàng hóa

Kết thúc phiên giao dịch ngày 12/01, giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 3 tăng 1,6% lên 240,9 cents/pound, trong phiên có lúc giá đạt mức cao nhất trong một tháng, là 244,9 cents. Hợp đồng cà phê Robusta cùng kỳ hạn tăng 0,6% lên 2282 USD/tấn. 

Giá cả hai mặt hàng cà phê tiếp tục nhận được sự hỗ trợ trong bối cảnh đồng USD suy yếu làm cho đồng nội địa Real tăng lên. Điều này kìm hãm sức bán không chỉ của các nhà đầu tư, mà còn của các nhà sản xuất cà phê ở Brazil.

Cà phê là mặt hàng có mức tăng “bùng nổ” nhất thị trường hàng hóa trong năm vừa qua với mức tăng gần 80%. Những lo ngại về nguồn cung và khó khăn trong chuỗi cung ứng, vận chuyển tại các nước sản xuất chính là yếu tố thúc đẩy cho đà tăng mạnh của giá cà phê.

Diễn biến giá cà phê thế giới năm 2021

 Hiện giá cà phê thế giới đang có một nhịp điều chỉnh nhỏ từ vùng đỉnh 10 năm. Nguồn MXV

Sản lượng và xuất khẩu tại Brazil sụt giảm

Giá cà phê thế giới liên tục tăng cao và lập kỷ lục mới trong thời gian qua chủ yếu là do các vấn đề liên quan đến nguồn cung cà phê của Brazil, nước xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới.

Trải qua thời kỳ hạn hán và sương giá giữa năm 2021, sản lượng cà phê của Brazil trong niên vụ 2021/22 đã sụt giảm nặng nề. Trong báo cáo mới đây, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng cà phê thế giới trong niên vụ 2021/22 giảm 8,5 triệu bao (tương ứng giảm 4,8%) so với niên vụ 2020-2021 xuống còn 167,5 triệu bao (loại 60 kg/bao), chủ yếu do cây cà phê Arabica tại Brazil bước vào chu kỳ năng suất thấp hai năm một lần và ảnh hưởng bởi các yếu tố thời tiết bất lợi.

Tiềm năng của niên vụ hiện tại 2022/23 vốn đã bị ảnh hưởng vì sương giá, mới đây tiếp tục bị tổn thất vì mưa lớn và sạt lở đất ở các khu vực trồng cà phê chính của Brazil.

Tồn kho cà phê toàn cầu trong niên vụ 2021/22 dự kiến sẽ giảm 6,3 triệu bao xuống 30 triệu bao, mức thấp nhất trong 5 niên vụ vừa qua.

Xuất khẩu cà phê toàn cầu trong niên vụ 2021/22 dự kiến giảm 3,8 triệu bao so với niên vụ trước, xuống còn 117,2 triệu bao do khối lượng xuất khẩu của Brazil giảm mạnh, mặc dù xuất khẩu của Việt Nam dự báo tăng.

Sản lượng sụt giảm nhưng nhu cầu thì lại tăng, tiêu thụ cà phê toàn cầu dự báo tăng 1,5 triệu bao lên 165 triệu bao, với mức tăng chủ yếu tại Liên minh châu Âu, Mỹ và Brazil.

Vai trò của Việt Nam đối với thị trường cà phê Robusta

Việt Nam hiện đang là nhà sản xuất cà phê lớn thứ hai trên thế giới, sau Brazil, nhưng lại là quốc gia xuất khẩu Robusta lớn nhất thế giới. Với vai trò then chốt như vậy diễn biến nguồn cung tại Việt Nam cũng có những tác động trực tiếp đến giá Robusta thế giới.

Thời gian qua, những chậm trễ trong công tác hậu cần khiến cho các hợp đồng cà phê không thể đến tay người mua đã liên tục đẩy giá cà phê Robusta lên mức cao nhất trong vòng 7 năm, rồi cao nhất trong một thập kỷ. Thậm chí, vì sự khan hiếm số lượng hàng giao ngay, mà trên thị trường Robusta tương lai đã diễn ra hiện tượng “vắt giá”, khi giá hợp đồng tháng gần cao hơn so với giá hợp đồng tháng xa.

Bên cạnh đó, thời gian đầu khi Việt Nam bước vào giai đoạn thu hoạch, lũ lụt và tình trạng thiếu hụt nhân công đã khiến cho tiến độ thu hoạch cà phê của nước ta bị chậm trễ, gây ảnh hưởng đến các hoạt động xuất khẩu.

Sản lượng cà phê của Việt Nam trong niên vụ 2021/22 được dự báo sẽ phục hồi và tăng 2,1 triệu bao so với niên vụ trước lên 31,1 triệu bao sau đợt khô hạn nghiêm trọng trong niên vụ trước.

Xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong niên vụ 2021/22 dự báo tăng 3,6 triệu bao so với niên vụ trước lên 26 triệu bao, tồn kho cà phê cũng được dự báo giảm nhẹ.

Do giá thế giới tăng cao, hầu hết các nhà xuất khẩu cà phê Việt Nam đều nhanh chóng mua gom hàng với số lượng lớn và với giá cao. Vì vậy, nguồn cà phê dành cho các nhà sản xuất Việt Nam bị sụt giảm lớn về số lượng. Đáng chú ý, lượng cà phê tồn kho ở Việt Nam cho niên vụ 2021/22 giảm 22% so với niên vụ trước, và là năm đầu tiên sụt giảm sau chuỗi tăng ba năm liên tiếp.

Những bất ổn về nguồn cung ở Brazil, cùng với những khó khăn trong chuỗi cung ứng trên toàn cầu, tiếp tục bị gián đoạn về dịch bệnh, sẽ vẫn hỗ trợ giá cà phê trong ngắn hạn. Nhìn vào xu hướng tăng từ đầu niên vụ 2021/22 đến nay cho thấy giá cà phê đang quay trở lại thời kỳ đỉnh cao của năm 2011 sau nhiều năm liên tiếp ở mức thấp.

Tổng hợp.

Xem thêm các thông tin về thị trường giao dịch hàng hóa tại chuyên mục: Tin tức thị trường.


CÔNG TY TNHH ĐẦU TƯ QUỐC TẾ HỮU NGHỊ
? Tầng 11 tòa nhà LADECO – số 266 đường Đội Cấn, Phường Liễu Giai, Quận Ba Đình, TP. Hà Nội.
☎️ Tel: 024.3552.7979
?   FB: http://www.facebook.com/www.finvest.vn
? Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCFFl3fJDes8ftudfqrQrP4g

Bài viết liên quan

Trả lời