TIN NỔI BẬT, TIN TỨC, TIN TỨC THỊ TRƯỜNG

Dầu xuống mức thấp nhất 2 tuần, USD suy yếu hỗ trợ giá cho nhóm kim loại

Thị trường giao dịch hàng hóa

Giá một số hàng hóa như nhóm kim loại và nông sản đồng loạt tăng trở lại trong phiên giao dịch hôm qua sau khi giảm có một số phiên giảm trước đó. Ngược chiều với đó, giá dầu lại xuống mức thấp nhất 2 tuần, các mặt hàng như cà phê, cao su cũng lại giảm.

[Có thể bạn nên đọc]

Muốn giao dịch hàng hóa thì phải làm như thế nào?

Thay đổi mức ký quỹ giao dịch Đường và Cao su từ ngày 02/03/2021

4 Loại lệnh quan trọng trong hàng hóa phái sinh

Dầu xuống mức thấp nhất 2 tuần, USD suy yếu hỗ trợ giá cho nhóm kim loại

Dầu xuống mức thấp nhất 2 tuần, USD suy yếu hỗ trợ giá cho nhóm kim loại.

Dầu thô thấp nhất 2 tuần do lo ngại nguồn cung gia tăng

Kết thúc phiên giao dịch 02/03, dầu thô WTI giảm 1,47% xuống 59,75 USD/thùng, thấp nhất kể từ 19/2. Dầu WTI đã mất khoảng 6% kể từ ngày 25/2 – thời điểm giá cao nhất kể từ tháng 5/2019.

Giá dầu Brent giảm 1,55% xuống 62,7 USD/thùng, thấp nhất kể từ ngày 12/2. Như vậy, giá dầu Brent cũng đã giảm khoảng 7% kể từ mức cao nhất 13 tháng đạt được vào tuần trước.

Giá dầu giảm xuống mức thấp nhất 2 tuần do thông tin OPEC+ có khả năng sẽ nới lỏng việc cắt giảm sản lượng kể từ tháng tư. 

Tại cuộc họp Ủy ban Kỹ thuật chung (JTC) ông Mohammad Barkindo – Tổng thư ký OPEC cho biết, triển vọng nhu cầu dầu đang có vẻ khả quan, đặc biệt là ở Châu Á, khi dịch bệnh có chiều hướng giảm dần. Nhu cầu dầu thô trong năm 2021 được kỳ vọng sẽ phục hồi về mức 96 triệu thùng/ngày, tăng 5,8 triệu thùng/ngày so với năm ngoái.

Thị trường đang quan tâm về việc liệu Saudi Arabia có tự nguyện cắt giảm 1 triệu thùng/ngày sau khi kết thúc tháng 3 hay không. Thông tin sẽ được công bố sau cuộc họp chính thức diễn ra vào thứ Năm tới.

Ngoài ra, giá dầu giảm nhanh do dữ liệu từ Viện Dầu mỏ Hoa Kỳ cho thấy lượng tồn trữ dầu thô của nước này tuần qua tăng mạnh, mặc dù tồn trữ các sản phẩm chưng cất sụt giảm nhiều hơn so với dự kiến.

Hợp đồng xăng RBOB tháng 4 giảm 0,33% xuống 1,9364 USD/gallon. Ngược lại, giá khí tự nhiên cùng kỳ hạn tăng mạnh 2,23% lên 2,839 USD/MMBtu.

Đồng Dollar suy yếu hỗ trợ cho nhóm kim loại

Chỉ số Dollar Index đã giảm 0,3% xuống dưới mức 91 điểm sau khi đạt mức cao nhất gần 4 tuần. Đồng USD yếu đi và lợi suất trái phiếu kho bạc giảm sút khiến cho nhu cầu đối với tài sản an toàn lại tăng lên.

Giá bạc tăng 0,75% lên 26,879 USD/ounce, bạch kim cũng tăng mạnh 1,94% lên mức 1214,4 USD/ounce.

Số liệu từ Cục Khảo sát địa chất Hoa Kỳ (USGS) cho biết, sản lượng bạch kim toàn cầu năm 2020 ước tính đạt 170,000 kg, giảm 9% so với năm 2019 do nguồn cung từ Nam Phi sụt giảm. Yếu tố này đã hỗ trợ đáng kể khiến bạch kim tăng mạnh trong phiên hôm qua.

Đồng tiếp tục là mặt hàng có mức tăng mạnh nhất trong nhóm kim loại. Đồng kỳ hạn tháng 5 giao dịch trên sàn COMEX tăng mạnh 2,65% lên mức 4,222 USD/pound. Nhu cầu cao đối với nhóm kim loại dẫn trong ngành công nghiệp năng lượng sạch đã thúc đẩy cho giá đồng. Bên cạnh đó, tổng sản lượng đồng của Chile trong tháng 1 giảm 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 457,000 tấn, giúp cho lực mua đồng áp đảo trong phiên hôm qua.

Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 4 trên sàn SGX cũng tăng 0,74% 168,81 USD/tấn. Cục Thống kê Quốc gia của Trung Quốc đã điều chỉnh sản lượng thép thô năm 2020 tăng 7% lên hơn 1,06 tỷ tấn. Sản lượng thép của nước này cũng tăng trưởng đạt hơn 10% lên 1,32 tỷ tấn, hỗ trợ cho giá quặng sắt đi lên.

Nông sản CBOT đồng loạt tăng cao

Giá ngũ cốc và đậu tương đều tăng trong phiên vừa qua, trái ngược với xu hướng giảm ở phiên trước đó, do lo ngại về thời tiết bất lợi ở các khu vực trồng đậu tương của Nam Mỹ như nắng nóng và khô hạn ở Argentina và mưa quá nhiều ở Brazil, có thể làm giảm năng suất.

Hợp đồng đậu tương tháng 5 tăng 1,53% lên 1412,5 cents/bushel. Số liệu từ hải quan Brazil cho thấy, xuất khẩu đậu tương trong tháng 2 của nước này vẫn thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái, do mưa lớn khiến thu hoạch bị trì hoãn và nguồn cung bị thắt chặt trong ngắn hạn. Việc thu hoạch đậu tương tại Brazil tiếp tục bị trì hoãn đã là yếu tố tác động chính tới đà tăng của giá đậu tương và vẫn sẽ có tác dụng hỗ trợ giá trong trung hạn.

Giá khô đậu tương cùng kỳ hạn tăng 0,81% lên 421,7 USD/tấn, dầu đậu cũng tăng 0,87% lên 49,66 cents/pound. 

Hợp đồng ngô kỳ hạn tháng 5 tăng 1,25% lên 545 cents/bushel. Mức giá cao của ngô dự kiến sẽ là yếu tố thúc đẩy nông dân mở rộng diện tích gieo trồng. Đối với việc thu hoạch đậu tương Brazil đang bị trì hoãn kéo theo gieo trồng ngô vụ chính của nước này cũng bị trì hoãn, hiện tại vẫn quá sớm để đánh giá mức độ ảnh hưởng của việc trì hoãn gieo trồng lên năng suất cũng như sản lượng vụ ngô mới. 

Hãng tư vấn StoneX đã giảm nhẹ dự báo sản lượng ngô niên vụ 2020/21 của Brazil xuống 108,5 triệu tấn. Cũng trong hôm qua, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã ghi nhận đơn hàng 175,000 tấn ngô niên vụ 2021/11 bán cho Nhật Bản. Những thông tin này đã góp phần hỗ trợ cho đà tăng giá của ngô.

Lúa mỳ là mặt hàng có mức tăng mạnh nhất nhóm 2,46% lên mức 66,25 cents/bushel. Bộ Nông nghiệp Mỹ đã công bố báo cáo Tiến độ vụ mùa Crop Progress, theo đó, chất lượng lúa mỳ tại các bang sản xuất chính đều giảm so với tuần trước khoảng 2-3%. Tại Nga, việc chính thức tăng mức thuế xuất khẩu lúa mỳ kể từ đầu tuần này, khiến các nước xuất khẩu lúa mỳ tìm đến các quốc gia xuất khẩu khác (trong đó có Mỹ), sẽ là yếu tố hỗ trợ giá trong dài hạn.

Nguyên liệu công nghiệp có diễn biến trái chiều

Giá cà phê Arabica giảm do đồng real của Brazil trượt giá so với USD khích lệ việc bán ra. Arabica kỳ hạn tháng 5 giảm 1,44% xuống 133,85 cents/lb. Giá Robusta phiên này cũng giảm 15 USD (1%) xuống 1.450 USD/tấn.

Đồng real đã giảm xuống mức thấp nhất 3 tháng. Tuy nhiên, giá cà phê khó có khả năng giảm sâu hơn do sản lượng của Brazil năm nay dự báo giảm.

Giá cao su tiếp tục giảm trong phiên giao dịch ngày hôm qua. Theo đó, cao su RSS3 trên sàn Osaka giảm 2,4% xuống 259,2 JPY/kg. Đây là phiên giảm thứ 3 liên tiếp sau khi có dữ liệu cho thấy các công ty Nhật Bản giảm mạnh chi tiêu cho nhà máy và thiết bị trong quý IV/2020, là quý thứ 3 liên tiếp giảm đầu tư do nghi ngờ về khả năng hồi phục kinh tế sáu đại dịch Covid-19.

Giá bông giảm nhẹ 0,63% về 90,99 cents/pound. Ủy ban Cố vấn Bông Quốc tế (ICAC) dự báo tồn kho bông toàn cầu niên vụ 2020/21 sẽ giảm 1% xuống còn 21,1 triệu tấn so với niên vụ trước. Thêm vào đó, Trung Quốc và Pakistan đều dự báo sẽ gia tăng nhập khẩu đã hỗ trợ cho giá trong phiên.

Giá đường thô kỳ hạn tháng 5 tăng 1,36% lên 16,43 US cents/lb, sau 6 phiên giảm. Xuất khẩu đường niên vụ 2020/21 của Ấn Độ chỉ đạt 4,9 triệu tấn, do hoạt động xuất khẩu đường của nước này bắt đầu muộn hơn so với thông thường và thiếu container. Vấn đề này khó có thể giải quyết được trong ngắn hạn và sẽ tiếp tục là yếu tố hỗ trợ giá đường trong ngắn và trung hạn.

Giá cacao tăng nhẹ 0,23% lên 2645 USD/tấn. Các công ty xuất khẩu cacao tại Bờ Biển Ngà cho biết, mức này có thể sẽ phải đưa ra mức chiết khấu lớn hơn nữa để thu hút các nước nhập khẩu, nếu họ muốn đạt được mục tiêu xuất khẩu 1,4 – 1,6 triệu tấn trước tháng 9. Trong tin này đã hạn chế đà tăng của giá trong phiên hôm qua và tạo sức ép lên giá cacao trong thời gian tới.

Theo dõi thêm các tin tức nổi bật về thị trường giao dịch hàng hóa tại chuyên mục: Tin tức Thị trường.


CÔNG TY TNHH ĐẦU TƯ QUỐC TẾ HỮU NGHỊ
? Tầng 11 tòa nhà LADECO – số 266 đường Đội Cấn, Phường Liễu Giai, Quận Ba Đình, TP. Hà Nội.
☎️ Tel: (84) 024.3552.7979.
?   FB: http://www.facebook.com/www.finvest.vn
? STK Vietcombank : 0611001975177 Chi nhánh Ba Đình.
? STK BIDV: 21610000479888 Chi nhánh Đống Đa.
? STK Techcombank: 19134664939018 phòng giao dịch Hoàng Quốc Việt.

Bài viết liên quan

Trả lời